GDVN-Một trong các nội dung tại Hội thảo “Quản trị sự thay đổi khi áp dụng chuyển đổi số trong trường ĐH, CĐ Việt Nam” là chuyển đổi số thay đổi hoạt động GD.
Chiều ngày 23/6, tại Hà Nội, Trường Đại học Phú Xuân phối hợp với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức Hội thảo “Quản trị sự thay đổi khi áp dụng chuyển đổi số trong trường đại học và cao đẳng Việt Nam”.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ của dự án “Nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các trường đại học ở Việt Nam” (“Digi:Đổi”) được tài trợ bởi Hội đồng Anh, thực hiện trong giai đoạn 2023-2025 do Trường Đại học Liverpool John Moores (Vương quốc Anh), Trường Đại học Phú Xuân, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp cùng các đối tác ở Anh và Việt Nam nhằm xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số trong giáo dục đại học tại Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo. |
Tham dự hội nghị có đại diện đến từ hơn 100 trường đại học, cao đẳng, các trường trung học phổ thông và doanh nghiệp tham dự trên cả 2 kênh trực tuyến tại các đầu cầu và trực tiếp tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Xuân nhấn mạnh: “Hội thảo này nằm trong chuỗi các hoạt động của dự án “Digi:Đổi” liên danh giữa trường Đại học Liverpool John Moores (Vương Quốc Anh) và Trường Đại học Phú Xuân (Việt Nam), được tài trợ bởi Hội đồng Anh với mục tiêu:
Một là, xây dựng trung tâm chuyển đổi số mang tính đón đầu xu hướng, bao gồm các chương trình cố vấn, đào tạo và ứng dụng thực tiễn cho các trường Đại học Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Xuân phát biểu khai mạc hội thảo. |
Hai là, có khả năng phát triển và nhân rộng với quy mô lớn trên nền tảng tích hợp chuyển đổi số.
Ba là, phát triển thịnh vượng và bền vững, góp phần giảm lượng khí thải CO2 (Net Zero).
Dự án được khởi động từ tháng 01/2023 và hội thảo lần đầu tiên vào ngày 14/02/2023 tại thành phố Huế, hội thảo lần thứ hai tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào trung tuần tháng 5/2023 với các nội dung trình bày về chiến lược, hiện trạng, khó khăn và thuận lợi khi triển khai hoạt động chuyển đổi số theo đặc thù riêng của các trường đại học, cao đẳng và theo khu vực.
Chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng không thể tránh trong thế giới ngày nay, và giáo dục không phải là ngoại lệ. Trong thời đại của công nghệ số, chúng ta đối mặt với cơ hội và thách thức mới khi áp dụng chuyển đổi số trong các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam. Chúng ta đang chứng kiến những biến đổi mạnh mẽ trong cách chúng ta học và dạy học. Những thay đổi về cách dạy học và quản lý trường học yêu cầu sự thay đổi tư duy, quy trình và cơ cấu tổ chức.
Công nghệ số đang thúc đẩy sự tiến bộ và đổi mới trong giáo dục, mang đến những cơ hội học tập phong phú, phân phối tri thức một cách toàn diện và mở ra những cánh cửa mới cho học sinh và sinh viên. Chúng ta cần tìm hiểu cách tận dụng công nghệ số để cải thiện chất lượng giảng dạy, nâng cao hiệu quả học tập và tạo ra môi trường học tập thân thiện với công nghệ.
Được sự hỗ trợ của Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, và sự phối hợp của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, hội thảo lần thứ 3 tại Hà Nội ngày hôm nay là thời điểm để chúng ta cùng nhau tìm hiểu, chia sẻ và thảo luận về quản trị sự thay đổi trong bối cảnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục, cũng như đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý để phù hợp với nền tảng công nghệ, bảo mật thông tin và quyền riêng tư, qua đó tạo ra môi trường học tập kỹ thuật số an toàn và chất lượng cho sinh viên”.
“Hội thảo hôm nay không chỉ là nơi để chúng ta học hỏi, mà còn là một cơ hội để chúng ta thực hiện hoạt động brainstorming theo nguyên tắc Đồng sáng tạo – Co-Creation trong việc xây dựng mạng lưới chuyên gia, tạo ra các liên kết hợp tác và chia sẻ những ý tưởng đột phá, cùng nhau đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững và thành công của giáo dục số tại Việt Nam.
Chúng tôi hy vọng, các đại biểu tham dự sẽ cùng thảo luận, đóng góp và đề xuất được “Bộ khung chung sự thay đổi” cho các trường để có thể cùng áp dụng chuyển đổi số. Và sau buổi hội thảo này, mỗi trường tham dự sẽ có thể về áp dụng được ít nhất cho bản thân, sau đó đến cơ sở mà mình đang làm việc”.
Chúng ta sẽ cùng nhau tạo nên một sự kiện đầy ý nghĩa và hy vọng rằng chúng ta sẽ có những cuộc thảo luận sôi nổi và cảm nhận được những kết quả tích cực sau hội thảo” – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông bày tỏ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Anh – Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông phát biểu chúc mừng: “Trong thời gian vừa qua, chuyển đổi số là hướng đi mạnh mẽ nhằm mục tiêu phát triển toàn diện của các trường đại học, cao đẳng. Các cơ sở giáo dục đang dần từng bước ứng dụng công nghệ vào mọi hoạt động từ đó cải thiện môi trường học tập nhằm nâng cao trải nghiệm của người học.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Anh – Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông phát biểu chúc mừng. |
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông luôn tự hào là một trong những trường đại học có xu hướng dẫn đầu trong công tác chuyển đổi số.
Hôm nay, Học viện rất vui mừng là đơn vị đồng tổ chức Hội thảo “Quản trị sự thay đổi khi áp dụng chuyển đổi số trong trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam”. Đây là hội nghị thu hút sự tham gia của nhiều trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
Hy vọng đây là nơi để các cơ sở giáo dục chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số giáo dục, cách thức quản trị sự thay đổi khi áp dụng chuyển đổi số của đơn vị mình và cùng nhau đưa ra những giải pháp để quản trị sự thay đổi”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia báo cáo tham luận về quản trị sự thay đổi khi áp dụng chuyển đổi số trong trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam.
Chia sẻ qua kênh trực tuyến tại đầu cầu Vương quốc Anh, Giáo sư Tony Wall – Đại học LJMU, Trưởng dự án “Digi:Đổi” chia sẻ về “Hệ sinh thái hỗ trợ chuyển đổi số giáo dục đại học, cao đẳng UK”.
Giáo sư Tony Wall – Đại học LJMU, Trưởng dự án “Digi:Đổi” chia sẻ trực tuyến. |
Sau đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông tiến hành điều phối các ý kiến thảo luận trực tiếp và trực tuyến, sau mỗi phần chia sẻ của các đại biểu.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông điều phối các ý kiến thảo luận, chia sẻ. |
Tại hội thảo, ông Đoàn Hiếu – Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông I (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) trình bày về “Quản trị sự thay đổi trong bối cảnh chuyển đổi số”.
Ông Đoàn Hiếu nhấn mạnh vai trò của công nghệ số, chuyển đổi số: “Chuyển đổi số đang làm thay đổi hoạt động giáo dục: Thứ nhất, truyền thụ tri thức trên môi trường số trở nên phổ biến; tạo không gian mới cho giáo dục. Thứ hai, kiến thức về công nghệ số trở thành kiến thức nền tảng; tạo ra các ngành đào tạo mới (ngành lai ghép). Thứ ba, giao tiếp xã hội (người học, người thầy, quản lý, doanh nghiệp…) thay đổi; tạo ra nhu cầu kết nối số trong nhà trường. Thứ tư, quản trị nhà trường phải thực hiện trên cả môi trường thực tế và môi trường số; tạo ra yêu cầu về một hệ thống quản trị đồng bộ và toàn diện.
Ông Đoàn Hiếu – Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông I (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) chia sẻ. |
Từ đó, chuyển đổi số tiếp cận với tư duy quản trị sự thay đổi: Sự thay đổi cả tổ chức xuất phát từ cấp độ cá nhân. Xác định rõ ràng mục tiêu của sự thay đổi và chủ động lập kế hoạch. Bắt tay triển khai chuyển đổi số từ các nhu cầu cấp thiết của tổ chức. Đánh giá quá trình chuyển đổi và liên tục cập nhật, hoàn thiện biến chuyển đổi số trở thành văn hóa của nhà trường”.
Các bước chuyển đổi số: Bước 1 – Xây dựng mô hình tổng quan. Bước 2 – Xác định pain-point của cơ sở đào tạo. Bước 3 – Sắp xếp thứ tự ưu tiên pain-point. Bước 4 – Chuyển đổi số từng pain-point. Bước 5 – Hành chính hóa. Bước 6 – Tối ưu hóa hệ thống.
Mô hình đại học số. |
Sau khi chia sẻ về mục tiêu đến năm 2025, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông I (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) đã đề cập đến các nhóm giải pháp: “Một là, thay đổi nhận thức, văn hóa, kỹ năng làm việc. Hai là, hoàn thiện quy định nội bộ. Ba là, thay đổi tổ chức, quy trình nghiệp vụ. Bốn là, đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Năm là, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung. Sáu là, xây dựng và triển khai nền tảng. Bảy là, xây dựng các sản phẩm dịch vụ số đa tầng”.
Bên cạnh đó, các đại diện của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và Học viện Ngân hàng cũng có phần trình bày về những nội dung liên quan: Tiến sĩ Lê Trường Giang – Phó Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ về “Lộ trình chuyển đổi số tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội”. Ông Chu Văn Huy – Phó Trưởng khoa Hệ thống thông tin quản lý (Học viện Ngân hàng) chia sẻ về “Quản trị sự thay đổi quy trình nghiệp vụ trong tiến trình chuyển đổi số tại Học viện Ngân hàng”.
Trong khuôn khổ sự kiện, diễn ra hoạt động thảo luận nhóm, chia sẻ về những khó khăn, thách thức từ thực tiễn triển khai chuyển đổi số của các trường đại học, cao đẳng.
Đại diện các trường thảo luận. |
Sau khi thảo luận, đại diện các nhóm sẽ chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc tiến hành chuyển đổi số tại cơ sở giáo dục đại học.
Thầy Nguyễn Văn Đạt – Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai đại diện nhóm 1 chia sẻ ý kiến thảo luận nhóm: “Các bước chuyển đổi số: Xác định chủ trương, vấn đề, từ đó xác định chiến lược, mục tiêu. Tham khảo các tài liệu, tham quan học hỏi. Xây dựng kế hoạch, đề án, tập huấn nhân lực. Dự trù kinh phí cho các hoạt động trong từng giai đoạn. Thực hiện, triển khai, cụ thể hóa quy trình. Kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh theo giai đoạn để đạt mục tiêu.
Thầy Nguyễn Văn Đạt – Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai trình bày ý kiến thảo luận của nhóm. |
Trong đó, các cơ sở giáo dục thường gặp một số khó khăn, thách thức: Về con người (trình độ, năng lực,…). Sự hỗ trợ của chuyên gia, tư vấn. Sự lúng túng trong lựa chọn công nghệ, phương pháp. Thay đổi tư duy, nhận thức, đồng thuận. Tài chính cho hoạt động triển khai. Cơ chế chính sách, hướng dẫn cơ quan quản lý. Cơ sở vật chất, hạ tầng”.
Ông Phạm Ngọc Lan – Trưởng ban Công tác Hội viên (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) trao giấy chứng nhận cho các diễn giả tham gia chia sẻ trực tiếp tại hội thảo. |
Kết thúc buổi hội thảo, ông Phạm Ngọc Lan – Trưởng ban Công tác Hội viên (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) trao giấy chứng nhận cho các diễn giả tham gia chia sẻ trực tiếp tại hội thảo.
Một số hình ảnh tại hội thảo: